Bộ TN&MT tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Tin tức - Sự kiện 13/08/2020

Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn tại Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015; Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23/11/2016 và Nghị quyết số 63/2018/QH14 ngày 15/6/2018 theo Kế hoạch số 518/KH-UBTVQH14 của Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tâp trung rà soát, tổng kết, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 26 văn bản (Bao gồm 01 Luật, 04 Nghị định, 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 12 Thông tư; trong đó có 01 Luật, 01 Nghị định và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đang được trình ban hành). Trong đó, đã khắc phục những bất cập về kiểm soát hoạt động xả thải, tăng cường kiểm soát ô nhiễm và cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…, đã bổ sung danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với các yêu cầu bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp và các dự án thuộc loại hình sản xuất công nghiệp này phải có phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với khí thải; phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường do chất thải.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tổng kết thực tiễn thi hành và rà soát các vướng mắc, bất cập của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và đã trình Chính phủ xem xét để báo cáo Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ngày 26/5/2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày tờ trình Dự án Luật tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ngày 11/6/2020, Quốc hội đã tổ chức thảo luận tại Tổ liên quan đến Dự thảo Luật. Ngày 18/6/2020, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Về hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng 44 TCVN về môi trường (29 TCVN đã được công bố, 04 TCVN dừng thực hiện và còn 11 TCVN đã gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định trước khi công bố.), ban hành 48 QCVN (12 QCVN về chất lượng môi trường xung quanh và 36 QCVN về chất thải và xử lý chất thải). Bộ đã ban hành kế hoạch xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường giai đoạn 2019-2020 với mục tiêu xây dựng hệ thống QCVN thống nhất và toàn diện theo định hướng hội nhập quốc tế dựa trên kinh nghiệm của các nước tiên tiến làm công cụ quản lý môi trường đáp ứng phát triển bền vững đất nước. Theo kế hoạch, Bộ đang hoàn thiện 08 dự thảo QCVN về môi trường (03 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh; 02 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải công nghiệp; 03 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các lĩnh vực khác) trên cơ sở tham khảo các Tiêu chuẩn về môi trường của Hàn Quốc cũng như kế thừa các QCVN về môi trường đang áp dụng.

Về việc xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư

Các tiêu chí về môi trường đã được nghiên cứu để áp dụng kiểm soát đối với cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trong đó lồng ghép bộ tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam. Tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ đã bổ sung Phụ lục IIa về Danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất trong thu hút, phê duyệt dự án đầu tư đang tiếp tục được hoàn thiện trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Về xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế về việc kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường theo nguyên tắc thị trường

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, xây dựng để trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định pháp luật về các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường như: thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ bảo vệ môi trường, nhãn sinh thái… Thuế bảo vệ môi trường được áp dụng đã góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề môi trường. Ngày 17/6/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Văn bản hợp nhất số 32/VBHN-BTC về thuế bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai nghiên cứu, bổ sung danh mục đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Như: Luật Thuế bảo vệ môi trường; Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường và Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; Thông tư số 31/2013/TT-BTNMT ngày 02/12/2013 quy định trình tự, thủ tục chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩn thân thiện với môi trường.

Về đơn giản hoá thủ tục hành chính Bộ Tài nguyên và Môi trường 

Đã rà soát, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, theo đó, nghị định đã được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần quán triệt nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, đặc biệt là nhấn mạnh quan điểm “không phát triển kinh tế bằng mọi giá; không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” và đổi mới phương thức quản lý môi trường “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa”, nghị định đã quy định nhiều nội dung mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và nhiều quy định có tính đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, như: bãi bỏ và cắt giảm trên 25 thủ tục hành chính không cần thiết trong công tác bảo vệ môi trường liên quan đến đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy xác nhận cho tổ chức nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu, kiểm soát từ xa phế liệu nhập khẩu, xác nhận hệ thống quản lý môi trường,….; lồng ghép một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; giữa lĩnh vực bảo vệ môi trường với các lĩnh vực khác như tài nguyên nước, khoáng sản, biển và hải đảo, quy hoạch và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan; giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính (giảm từ 15-25 ngày) theo Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các thủ tục về môi trường; bỏ các điều kiện kinh doanh khác không phù hợp với Luật đầu tư. Ngoài ra, nghị định còn có nhiều quy định để xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, công khai minh bạch, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường. Đồng thời, ngày 31/12/2019, Bộ đã ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; theo đó, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, số lượng các loại báo cáo môi trường đã được cắt giảm từ 2-7 báo cáo xuống còn 01 loại báo cáo công tác bảo vệ môi trường duy nhất.